Phẳng và mỏng là “vua” trong thiết kế web 2016
Ngày đăng: 11/05/2020 - Lượt xem: 1545
Trong những năm qua chúng ta đã thấy thiết kế web chuyển hướng mạnh mẽ sang những thiết kế theo phong cách phẳng. Đến tận bây giờ cũng chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ xu hướng này đã lỗi thời mà các yếu tố còn có vẻ “bỏ phiếu thuận” cho vị trí dẫn đầu của phong cách phẳng trong dài hạn.
Thiết kế Flat là phong cách thiết kế với triết lý “càng đơn giản càng tốt”. Bằng việc không sử dụng bất kỳ một hiệu ứng gì trong thiết kế như tạo bóng, làm nổi hoặc các yếu tố khác như độ sắc nét khác, một thiết kế phẳng tạo ra những hình đơn giản nhất.
Phong cách thiết kế phẳng khác hẳn với phong cách thiết kế “mô phỏng - Skeuomorphic” như chúng ta thường thấy trên các ứng dụng của Apple. Dễ hiểu hơn thì các bạn cứ lấy màn hình của một chiếc Window Phone và so sánh với một chiếc Apple là hiểu ngay vấn đề.
Hình ảnh: giao diện windowphone và Apple
Tại sao lại là thiết kế Flat ?
1. Đơn giản là tinh tế
Điểm khác biệt lớn nhất trong thiết kế phẳng so với những thiết kế khác đó là tính đơn giản. Đặc tính này khiến cho các nhà thiết kế dễ dàng hơn trong việc sáng tạo ra các sản phẩm. Thay vì tập trung vào việc tạo ra các hiệu ứng và hình ảnh bắt mắt thì các nhà thiết kế chỉ cần chú ý vào hai yếu tố cơ bản nhất là Màu sắc và Chữ viết.
Khi mà các hiệu ứng làm nổi bật khác đã bị bỏ qua thì “gánh nặng” làm cho thiết kế nổi bật đương nhiên bị dồn vào vai của hai “đồng chí” còn lại. Màu sắc được xem là yếu tố quyết định trong các thiết kế theo phong cách phẳng. Cứ lấy Window Phone ra làm ví dụ. Trong các thiết kế ứng dụng của Window Phone chỉ có hình ảnh và chữ viết. Điều này làm tinh giản quá trình thiết kế rất nhiều. Chỉ còn vấn đề là kết hợp hai điều này như thế nào cho hợp lý mà thôi.
2. Sự ảnh hưởng bởi yếu tố công nghệ
Các công nghệ đang chuyển dần sang các thiết bị có màn hình nhỏ hơn, và sự trói buộc bởi phần cứng của các thiết bị. Sự bó buộc này khiến cho các thiết kế phải làm sao càng nhẹ càng tốt để có thể tiết kiệm tài nguyên phần cứng và tăng tốc độ xử lý.
Những thiết kế rườm rà sẽ gây nặng máy và chậm xử lý, thiết kế phẳng về bản chất chính là “con đẻ” của sự phát triển các thiết bị di động như smart phone.
3. Khắc phục điểm yếu của thiết kế “mô phỏng – Skeuomorphic”
Như đã nói ở trên phong cách thiết kế mô phỏng chính là làm sao thiết kế các hình ảnh có khả năng liên tưởng trực tiếp đến mục tiêu mình cần truyền đạt nhất. Các ví dụ dưới đây sẽ minh họa cho điều này.
Những đặc điểm này gây cho phong cách thiết kế mô phỏng những khó khăn sau:
- Rối mắt người dùng: việc các thiết kế này xuất hiện trên cùng một màn hình “bé tí” như smartphone sẽ làm cho chúng ta khó nhìn hơn khi muốn tìm thông tin cần thiết. Rõ ràng nhiều hiệu ứng xuất hiện cùng lúc làm rối mắt hơn việc chỉ có màu sắc.
- Gây khó cho các designer: việc nghĩ cách để tạo ra các mô phỏng và hiệu ứng làm tốn thời gian rất nhiều và cả ý tưởng hơn rất nhiều so với thiết kế phẳng khi chỉ có hai yếu tố là màu – chữ.
- Tốn tài nguyên không cần thiết: như đã nói ở phần trên, các thiết kế mô phỏng làm tốn không gian màn hình của các thiết bị động vốn đã quá nhiều các thông tin cần thiết. Trong khi những yếu tố đó chỉ mang tính trang trí vốn không quá cần thiết với người dùng. Người dùng muốn xem nhiệt độ hôm nay không nhất thiết phải kéo theo cả một bảng ngày – giờ và ba thứ linh tinh khác như đám mây hay mặt trời. Điều này khiến cho các thiết bị di động vốn đã “yếu ớt” ở phần cứng và “kém tắm” ở dung lượng pin sẽ mất nhiều tài nguyên hơn để có thể “huy động” cho những mô phỏng trên màn hình.
Lời kết
Phong cách mô phỏng đã từng một thời là thời thượng nhưng suy cho cùng thì nhiệm vụ của nó chỉ là tạo ra một trào lưu nhằm thay đổi những cái cũ và tạo ra một bước đệm cho những điều hoàn toàn mới. Việc chuyển từ thiết kế mô phỏng sang thiết kế phẳng là một điều tất yếu của quy luật phát triển khi nó đáp ứng được những đòi hòi của người dùng tốt hơn. Và chúng ta lại mong chờ một phong cách khác tốt hơn thiết kế phẳng trong tương lai.